Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
Quả trứng gà rất giàu protein, axit amin như lizin và các dưỡng chất khác có giá trị sinh học cao. Thành phần chất béo của lòng đỏ trứng có thể thay đổi bằng cách kiểm soát nguồn cung cấp chất béo trong khẩu phần ăn của gà mái đẻ. Thí nghiệm được tiến hành trên 720 gà mái Hisex Brown từ 32 đến 42 tuần tuổi để đánh giá ảnh hưởng nguồn dầu bổ sung trong khẩu phần lên năng suất, chất lượng trứng, thành phần chất béo của huyết tương, thành phần axit béo và hàm lượng cholesterol trong lòng đỏ trứng. Gà được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên gồm có 3 loại dầu là dầu cám gạo (DCG), dầu cá hồi (DCH) và dầu nành (DN) với tỉ lệ 1, 2 và 3% trong khẩu phần thành 9 nghiệm thức.
Gà nuôi khẩu phần bổ sung DCG có tỉ lệ đẻ cao hơn DN và DCH, trong đó mức độ 2% DCG là cao nhất (P=0,01). Quả trứng của gà mái nuôi khẩu phần DN có tổng số axit béo chưa no n-6 cao nhất (P<0,01), trong khi hàm lượng tổng số axit béo n-3 cao nhất ở khẩu phần bổ sung DCH. Khẩu phần DCH làm tăng sự tích lũy DHA trong lòng đỏ trứng rất ý nghĩa (P<0,01).
Tỉ lệ axit béo omega 6/omega 3 và hàm lượng cholesterol trong lòng đỏ thấp nhất ghi nhận được ở nhóm gà nuôi DCH (P=0,01). Các kết quả thí nghiệm chỉ rằng DCG cho tỉ lệ đẻ cao nhất nhưng DCH đã làm tăng lượng DHA trong lòng đỏ trứng và giảm tỉ lệ axit omega 6/ omega 3. Sự kết hợp các loại dầu này vào khẩu phần gà có ý nghĩa thực tế trong việc nâng cao năng suất và kiểm soát thành phần chất béo của trứng.
Nguồn nhachannuoi.vn