Cảnh giác với bệnh cúm gia cầm các tháng cuối năm

Theo Cục Thú y, số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương cho thấy, trong năm 2023, cả nước đã xuất hiện 20 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 17 huyện của 11 tỉnh, thành phố, với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy hơn 36.600 con. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xuất hiện 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 7 huyện của 7 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy hơn 12.000 con. Đặc biệt, 1 người chết do mắc virus cúm gia cầm A/H5N1.

Theo Cục Thú y, trong các tháng cuối năm, nguy cơ bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao. Ảnh minh họa.
Theo Cục Thú y, trong các tháng cuối năm, nguy cơ bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao.

Gần đây nhất, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã tiến hành lấy 28 mẫu gộp swab hầu họng trên gà, vịt sống bán ở chợ 4 địa phương gồm Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh và Cam Lâm (mỗi địa phương lấy 7 mẫu gộp) để xét nghiệm tìm virus cúm A subtype H5N1, H5N6 và H5N8. Ngày 2/10, Chi cục Thú y vùng IV trả kết quả xét nghiệm Real-time PCR trên mẫu xét nghiệm phát hiện có 7 mẫu có sự lưu hành virus cúm A/H5N1. Trong đó, 2 mẫu tại ở thị xã Ninh Hòa, 5 mẫu tại Nha Trang… Đây là những tín hiệu cho thấy bệnh cúm gia cầm vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Số ổ dịch và gia cầm mắc bệnh có chiều hướng gia tăng.

Cục Thú y cũng nhận định, các tháng cuối năm nguy cơ bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vacxin. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, nhất là dịp Tết Nguyên đán lớn. Hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước gia tăng, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến (cả nước còn trên 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ). Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới. Thời tiết diễn biến cực đoan, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh…

Do đó, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt, các cơ sở nuôi tuyệt đối không giấu dịch. Thông báo ngay cho chính quyền địa phương, nhân viên thú y hoặc cơ quan thú y. Không mua bán, vận chuyển gia cầm bệnh, chết. Không vứt xác gia cầm chết ra môi trường hoặc sông, ngòi, ao, hồ… Không giết mổ, tiêu thụ thịt gia cầm bệnh, chết. Bên cạnh đó, không để bất kỳ ai đến gần đàn gia cầm, đặc biệt là trẻ em. Tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi bằng hóa chất, vôi bột.

Về lâu dài, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi bảng hóa chất, vôi bột. Tiêm vacxin phòng bệnh cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm khác cho đàn gia cầm nuôi.

Tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học là chìa khóa để ngăn chặn sự phát sinh, lây lan bệnh cúm gia cầm. Ảnh: Trung Quân.
Tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học là chìa khóa để ngăn chặn sự phát sinh, lây lan bệnh cúm gia cầm.

Khi sử dụng gia cầm giống phải có nguồn gốc rõ ràng. Nuôi nhốt riêng gia cầm mới mua về 1 - 2 tuần trước khi cho nhập đàn. Số gia cầm đã mang ra chợ bán nhưng không hết, khi mang về cần phải nuôi nhốt riêng trong 1 - 2 tuần. Nuôi nhốt gia cầm trong chuồng nuôi hoặc khu vực có hàng rào; hạn chế tối đa nuôi chung gia cầm với các loài động vật khác tại cùng một địa điểm nuôi.

Người chăm sóc gia cầm phải sử dụng ủng, giày, bảo hộ cá nhân khi vào khu chăn nuôi. Hạn chế khách ra, vào khu chăn nuôi; nếu phải ra, vào cần thay ủng, giày mới hoặc rửa sạch đế ủng, giày bằng nước xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn. Không để các phương tiện, dụng cụ vận chuyển vào khu vực chăn nuôi. Trong trường hợp bắt buộc phải phun khử khuẩn hoặc rửa phương tiện bằng nước xà phòng.

Cần bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất nâng cao sức đề kháng của gia cầm. Khi có thông tin về dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn cùng xã, khu vực xung quanh, cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh.

Theo NNVN