HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
Hội nghị tập trung thảo luận Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Các thành viên thống nhất cao với các nội dung của báo cáo và tích cực tham gia đóng góp ý kiến liên quan đến hoạt động của Hiệp hội, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ, kết nối thông tin kịp thời giữa các doanh nghiệp thành viên và với các cơ quan quản lý Nhà nước, giữ vững mục tiêu vì sự phát triển bền vững của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có các thành viên của hiệp hội.
Một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng năm 2023 của VFA là nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với các văn bản qui phạm pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến phát triển ngành như: Kiến nghị không đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục các mặt hàng bình ổn giá theo Luật giá đã được Ban soạn thảo dự án luật chấp thuận và Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15; Kiến nghị bổ sung qui định “đất chăn nuôi” là một loại đất nông nghiệp trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi, bổ sung)…
Bên cạnh đó, đại diện BCH Hiệp hội cũng tích cực tham gia hoạt động của Tổ điều hành giá cả, thị trường của Bộ công thương, qua đó kịp thời nắm bắt thông tin thị trường và có ý kiến đóng góp đối với công tác điều hành giá cả thị trường cũng như hoạt động xúc tiến thương mại liên quan đến ngành, lĩnh vực của Hiệp hội.
Cũng trong năm 2023, các chương trình hợp tác quốc tế cũng được VFA chú trọng và đẩy mạnh nhằm tăng cường các hoạt động giao lưu trao đổi giữa Hiệp hội với các tổ chức tương ứng của các nước, vùng lãnh thổ có trao đổi thương mại, khoa học công nghệ về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi với Việt Nam như: Hoa Kỳ, Đan Mạch, Canada, một số nước Asean…
Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng thường xuyên phối hợp và duy trì mối quan hệ với các Hội, Hiệp hội ngành hàng liên quan trong nước, như: Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội thuốc thú y, Hội thú y, Hội làm vườn, Hội Nông dân, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ…nhằm chia sẻ thông tin và đẩy mạnh các hoạt động vì sự phát triển chung của ngành nông nghiệp.
Trong khuôn khổ diễn ra hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đã tập trung thảo luận, đóng góp các ý kiến nhằm mục đích phát triển, liên kết, hỗ trợ các thành viên trong hiệp hội; Tiếp tục thực hiện vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, gắn chặt việc kết nối các Sở, ban, ngành để thực hiện công tác hỗ trợ, giải quyết khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp hội viên.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hiệp hội tiếp thu tất cả kiến nghị của các thành viên đồng thời nhấn mạnh, năm tới Hiệp hội cần: (1)Tiếp tục rà soát, phát hiện những chính sách bất cập, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo vệ sản xuất trong nước đặc biệt là các vấn đề: Kiểm soát các chất cấm trong chăn nuôi; Tăng cường hàng rào kỹ thuật, tăng cường kiểm dịch, kiểm tra giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, vận chuyển nhằm giảm thiểu các sản phẩm thịt, phụ phẩm gia súc gia cầm nhập khẩu và/hoặc tạm nhập tái xuất vào Việt Nam; Cắt giảm thủ tục hành chính, bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục, giãn hoãn thời gian công bố hợp quy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; (2) Tăng cường vai trò là cầu nối xúc tiến thương mại và kết nối hợp tác quốc tế để các thành viên trong Hiệp hội có nhiều thông tin và cơ hội học hỏi, tiếp cận với thị trường quốc tế; (3) Tổ chức họp Ban thường vụ, BCH định kỳ nhằm đánh giá, đóng góp ý kiến, đưa ra những kiến nghị khắc phục những khó khăn của ngành; (4) Tổ chức các chuyến thăm tới các thành viên Hiệp hội nhằm giúp đỡ, chia sẻ về kỹ thuật, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp nhỏ; làm cầu nối kết nối các doanh nghiệp với nhau, thu hút các thành viên tham gia để Hiệp hội ngày càng lớn mạnh, đồng thời rà soát các thành viên không có hoạt động nhằm nâng cao chất lượng thành viên Hiệp hội; (5) nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các kênh thông tin điện tử của Hiệp hội như website, fanpage…, thường xuyên đăng tải các thông tin về hoạt động chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp, các tiến bộ KHKT mới, tình hình giá cả thị trường, các bài viết về tiến bộ KHKT trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới.
Bước sang năm 2024, mục tiêu hoạt động trọng tâm của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam là “Liên kết – Hợp tác – Phát triển – Chính trực – Hiệu quả”; Hiệp hội sẽ đưa các kế hoạch, phương án cụ thể dựa trên các hoạt động: Giao lưu kết nối, học tập và chia sẻ công nghệ, quản trị, vận hành sản xuất giữa các đơn vị, giao thương nội khối, tiếp cận và cập nhật các công nghệ mới trong sản xuất.