Ngành chăn nuôi heo ‘sáng cửa’ tăng trưởng

Theo công ty chứng khoán MB, chu kỳ tăng giá thịt heo là động lực tăng trưởng chính cho lợi nhuận ròng giai đoạn 2024-2026.

Sự phục hồi của giá heo hơi cùng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức thấp giá thấp đã góp phần đáng kể cho kết quả kinh doanh khởi sắc của nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi heo trong kỳ.

Trái ngược với đà lao dốc của giá heo hơi bình quân trong quý III/2023, giá heo dao động quanh mức cao trên 65.000 đồng/kg trong quý vừa qua, thậm chí có thời điểm chạm sát ngưỡng 70.000 đồng/kg.

Đồng pha phục hồi

Miễn nhiễm với bão lũ và dịch bệnh trong quý III, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam lãi ròng tới 312 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần, tương đương mức lãi kỷ lục trong giai đoạn 2020-2021 và là quý lãi cao thứ hai trong vòng hơn hai năm gần đây.

Dabaco cho biết, kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ tình hình giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ổn định và giá heo hơi trong nước tăng.

Thêm nữa, công ty không gặp thiệt hại trực tiếp về tài sản, con người sau bão và đàn heo của công ty vẫn an toàn trong bối cảnh thị trường được đánh giá có thể thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn do ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi và dịch tả heo châu Phi (ASF).

Ở một trường hợp khác, thành công đã đến sau chiến lược chuyển dịch cơ cấu sang mảng chăn nuôi heo. Chủ chuỗi “heo ăn chay” - Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam ghi nhận quý tăng trưởng lợi nhuận gấp rưỡi cùng kỳ, lên mức 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nhờ doanh thu bán heo tăng gấp 2,3 lần, đạt 856 tỷ đồng, chiếm 65% cơ cấu doanh thu.

BAF cho biết, kết quả này đến từ chiến lược tự chủ sản xuất thức ăn chăn nuôi trong khi giá nguyên liệu rẻ hơn, khả năng kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và diễn biến giá heo hơi duy trì ở mức cao.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của BAF đạt mức hơn 214,6 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 300% so với cùng kỳ năm 2023.


Biên lãi gộp mảng chăn nuôi heo và thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp trên sàn.

Mặc dù là “tay ngang” trong ngành, quý III/2024, doanh thu mảng nông nghiệp của Hòa Phát tăng 21% so với cùng kỳ, lên 1.800 tỷ đồng trong khi lợi nhuận tăng đột biến tới 80%, lên 281 tỷ đồng.

Kết quả trên có được nhờ sản lượng heo bán ra trong chín tháng đầu năm 2024 đạt 443.000 con, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Giá heo ổn định và việc tăng sản lượng bán ra đóng vai trò quan trọng vào sự phục hồi, tăng trưởng của Nông nghiệp Hòa Phát.

Hòa Phát hiện sở hữu gần 25.000 con heo nái, nằm trong top các doanh nghiệp chăn nuôi heo hàng đầu Việt Nam. Mạng lưới trang trại chăn nuôi khép kín giúp Hòa Phát kiểm soát chất lượng đầu ra, duy trì sự ổn định trong chuỗi cung ứng thịt lợn trong nước.

Sau gần 10 năm gia nhập mảng nông nghiệp công nghệ cao, Hòa Phát đã đầu tư 3.100 tỷ đồng vào lĩnh vực này. Với chiến lược đầu tư bài bản và dài hạn, tập đoàn đã xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, bò và gia cầm.

Đáng chú ý, sau chín quý thua lỗ liên tiếp, thành viên Tập đoàn Masan - Công ty CP Masan Meatlife lần đầu có lợi nhuận trở lại khi ghi nhận lãi ròng gần 20 tỷ đồng trong quý vừa qua cùng mức doanh thu bán hàng gần 1.950 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2022.

Theo Masan Meatlife, doanh thu từ mảng thịt ủ mát và thịt chế biến có sự tăng trưởng. Đồng thời, chi phí sản xuất được kiểm soát tối ưu, đặc biệt là mảng trang trại gà và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm đã góp phần làm tăng lãi gộp.

“Lợi kép” từ nguyên liệu và giá bán

Cập nhật tới ngày 12/11 từ Feedin, giá heo hơi trung bình cả nước đang dao động quanh mức 61.600 đồng/kg. Tuy giảm so với mức cao ở quý 3 nhưng vẫn đang cao hơn mức trung bình cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia phân tích từ công ty chứng khoán MB (MBS), chu kỳ tăng giá thịt heo là động lực tăng trưởng chính cho lợi nhuận ròng giai đoạn 2024-2026. Theo đó, giá heo hơi sẽ duy trì ở mức nền cao cho đến giữa năm 2025 trước khi giảm nhẹ và duy trì trong năm 2026 khi nguồn cung dần ổn định trở lại.

Vừa qua, giá heo hơi ghi nhận nhiều đợt điều chỉnh trong ngắn hạn do nguồn cung dồi dào chạy dịch trong ngắn hạn. Tuy vậy, MBS kỳ vọng từ giờ đến cuối năm không còn các đợt heo chạy dịch lớn.

Thêm nữa, việc Tết đến sớm hơn khiến mùa cao điểm tiêu thụ có thể bắt đầu từ đầu tháng 12/2024 và kéo dài đến hết tháng 1, do đó giá heo có thể tăng lên khoảng 68.000 đồng/kg trong thời điểm này và hạ nhiệt ở mức nền 62.000 – 65.000 đồng/kg đến hết nửa đầu năm 2025.


Sản lượng heo tại Việt Nam tăng trưởng nhờ thế mạnh mở rộng đàn.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhờ vào thế mạnh mở rộng đàn và việc kiểm soát dịch ASF hiệu quả, sản lượng heo tại Việt Nam năm 2025 sẽ tăng 3,3% so với cùng kỳ (cao hơn mức 2,5% năm 2024) lên mức 3,9 triệu tấn.

Cũng theo số liệu mới nhất của USDA, Việt Nam xếp thứ 5 về tiêu thụ thịt lợn mổ xẻ nội địa và duy trì vị thế là quốc gia chuộng tiêu thụ thịt heo lớn. Dựa vào số liệu thịt heo xẻ mổ nội địa, ước tính tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của tiêu thụ thịt heo/đầu người khoảng 3,8%/năm vào giai đoạn 2024-2026 và sản lượng xấp xỉ 37 kg/người vào năm 2024.

Đặc biệt, các doanh nghiệp theo hình thức trang trại khép kín như Dabaco, BAF hay Hòa Phát sẽ giành được lợi thế nhờ vào khả năng kiểm soát điều kiện ăn uống, môi trường sống, khả năng kiểm soát chất lượng đầu vào của đàn lợn và hạn chế được dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh đó, khi có sự thuận lợi về điều kiện chăm nuôi và thị trường giá heo hơi, các doanh nghiệp khép kín sẽ dễ dàng tái đàn và cung cấp thêm thương phẩm ra ngoài thị trường.

Ngoài ra, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam liên tục giảm từ tháng 3/2023. Giá thức ăn chăn nuôi trong nước cũng đã hạ nhiệt so với mức nền cao của năm 2022. Tính từ năm 2023 đến nay, đã có bảy đợt giảm giá thức ăn chăn nuôi. Mới nhất, trong tháng 5/2024, giá thức ăn chăn nuôi lại hạ trung bình 150 đồng/kg.

Tin channuoivietnam