Phát huy hiệu quả vacxin và thuốc thú y trong phòng, chống dịch bệnh
Tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang và Công ty Cổ phần Thú y Xanh Việt Nam, Công ty liên doanh Bio-Pharmacheme vừa tổ chức Hội nghị tập huấn “Phát huy hiệu quả sử dụng vacxin và thuốc thú y trong phòng, chống dịch bệnh động vật”.
Tại Hội nghị, đại biểu được nghe diễn giả là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia… thông tin các giải pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm, đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường… trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia, chiến lược vacxin và bảo vệ môi trường chính là "chìa khóa vàng" để giữ vững ngành chăn nuôi. Đặc biệt, cần có cái nhìn mới về môi trường và sử dụng chế phẩm bổ sung thay thế kháng sinh để tạo ra những sản phẩm chăn nuôi an toàn, vì sức khỏe cộng đồng.
Hạn chế kháng sinh, sử dụng chế phẩm thay thế
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1121 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023- 2030 tầm nhìn 2045 với mục tiêu chung là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm.
Theo TS Nguyễn Kiên Cường, Giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP. HCM, cố vấn kỹ thuật Công ty Liên doanh Bio-Pharmacheme, do những mối nguy hại lớn cho sức khỏe cộng đồng, nhiều quốc gia đã hoặc đang từng bước cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi cho mục đích phòng bệnh và kích thích sinh trưởng. Để dần thay thế kháng sinh, nhiều loại chế phẩm khác nhau được phát triển và thương mại hóa.
Hỏi đáp tại buổi tập huấn.
Cụ thể, Probiotic kìm hãm vi khuẩn gây bệnh đường ruột, cải thiện miễn dịch, giảm thải khí CH4 trên động vật nhai lại. Prebiotic hỗ trợ sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong ruột đồng thời ức chế E.coli và Salmonella, cải thiện chức năng miễn dịch. Bên cạnh đó, axit hữu cơ giúp cải thiện dinh dưỡng, xâm nhập qua màng vi khuẩn dẫn đến giảm pH của môi trường kiềm bên trong vi khuẩn.
Ngoài ra, các sản phẩm chiết xuất từ thực vật, tinh dầu, phụ gia, thảo dược có tác dụng ức chế một số loại vi khuẩn đường ruột, phá hủy vách tế bào vi khuẩn, giảm nội ký sinh trùng, tác động đến quá trình lên men vi sinh vật đường ruột, cải thiện miễn dịch, bảo vệ niêm mạc ruột, giảm khí thải từ vật nuôi (H2S, CH4…).
Vấn đề an toàn thực phẩm là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định uy tín và sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. Các chuyên gia khuyến cáo để đảm bảo an toàn thực phẩm cần tuân thủ quy trình sản xuất an toàn sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh và các chất kích thích tăng trưởng không an toàn.
Sử dụng vacxin và thuốc thú y đúng cách. Chỉ sử dụng thuốc thú y khi thực sự cần thiết, tuân thủ quy định về liều lượng, thời gian ngừng thuốc trước khi xuất bán để đảm bảo chất lượng thịt an toàn. Kiểm soát chất lượng thức ăn đảm bảo không nhiễm hóa chất độc hại giúp hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa cho vật nuôi.
Theo nghiên cứu của TS Đào Đoan Trang, chuyên gia kỹ thuật Công ty Cổ phần Thú y Xanh Việt Nam, thức ăn không tiêu sẽ là nguồn dinh dưỡng cho mầm bệnh. Ngược lại, thức ăn tiêu hóa tốt sẽ hạn chế được dịch bệnh và chất thải ra môi trường. Do đó, sử dụng thức ăn và thuốc kháng sinh đúng sẽ bảo vệ tính toàn vẹn của đường ruột vật nuôi, hạn chế việc mất lông nhung trong đường ruột, giúp tăng năng suất vật nuôi…
Đàn vật nuôi an toàn trước bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhờ chăn nuôi an toàn sinh học.
Phòng ngừa là chính
GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) cho rằng, để đảm bảo chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cần tuân thủ các quy định của Luật bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái.
Vì vậy, đối với khâu quản lý chất thải chăn nuôi cần sử dụng hầm biogas, ủ phân hữu cơ hoặc công nghệ xử lý nước thải để giảm thiểu ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước. Xây dựng hệ thống chuồng trại đúng tiêu chuẩn, thiết kế khoa học, thoáng mát, vệ sinh để hạn chế phát sinh khí độc như amoniac. Để giảm thiểu phát thải khí nhà kính cần sử dụng các giải pháp nuôi trồng kết hợp và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Theo TS Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang, để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, việc quản lý đàn vật nuôi cần phải lấy phòng ngừa là chính. Với trọng tâm là sử dụng vacxin và thuốc thú y kịp thời, đúng liều lượng và đúng loại. Các loại thuốc thú y cần được dùng đúng cách, chỉ khi thực sự cần thiết và phải tuân theo quy trình sử dụng hợp lý để tránh tình trạng kháng thuốc, bảo vệ sức khỏe vật nuôi lâu dài.
Ngoài ra, cần chú ý đến các biện pháp đồng bộ trong phòng ngừa, giám sát và xử lý dịch bệnh cần được triển khai từ khâu con giống, thức ăn đến quy trình chăn nuôi. Tiêm phòng đúng lịch, kiểm soát nghiêm ngặt nguồn gốc vật nuôi, giám sát và xử lý dịch bệnh kịp thời.
Ngành Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang đã có khuyến cáo những vacxin phù hợp sử dụng trên đàn vật nuôi bản địa. Vacxin cúm gia cầm là Navet-Fluvac 2, Re-5, Re-6, H5 vô hoạt chủng D7 và rD8, K-New H5, H5 vô hoạt Medivac AI. Vacxin lở mồm long móng là Avac, Aftopor, Aftovax, Aftogen. Vacxin viêm da nổi cục là Lumpyvac (Thổ Nhĩ Kỳ), Mevac (Ai Cập) và AVAC LSD LINE (Việt Nam).
Tại Tiền Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, các bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi còn xảy ra nhưng rải rác và quy mô ổ dịch nhỏ, không lây lan diện rộng. Khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn theo quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT.
Trong đó, ngành tập trung 5 hoạt động chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường giám sát dịch bệnh, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bao vây và xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh. Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, đồng thời, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi theo định hướng sản xuất an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường.
Hướng tới chăn nuôi bền vững, nhà chăn nuôi ở Tiền Giang cần bảo đảm an toàn sinh học cho vật nuôi. Đây là điều tiên quyết để phòng, chống dịch bệnh, góp phần sản xuất sản phẩm sạch, giảm ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Cùng với những thuận lợi, người chăn nuôi ở Tiền Giang vẫn đang phải khắc phục một số khó khăn, do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có liên quan trong bảo vệ, hướng dẫn chăn nuôi góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Nông nghiệp Việt Nam