Tín chỉ gà đẻ không nhốt lồng – cánh cửa mở cho chăn nuôi bền vững tại Việt Nam

Xu thế chuyển đổi mô hình chăn nuôi

Phúc lợi động vật không còn là khái niệm chỉ gói gọn trong tuyên ngôn của các tổ chức bảo vệ động vật hay những cá nhân yêu quý thú cưng. Hiện nay, việc đảm bảo phúc lợi động vật đang dần trở thành một xu hướng mang tính toàn cầu. Nó gắn liền với các chuẩn mực sản xuất thực phẩm sạch, bền vững và có trách nhiệm với xã hội.

Trước đây, việc nuôi nhốt động vật trong các chuồng trại chật hẹp, tách xa điều kiện sống tự nhiên được coi là bình thường, miễn sao tạo ra được sản lượng lớn với chi phí tiết kiệm nhất. Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi này đang dần bị xem là lạc hậu. Người tiêu dùng, đặc biệt ở các nước có thu nhập cao, sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm đến từ quy trình chăn nuôi nhân đạo và an toàn.

Nhận thức về phúc lợi động vật không phải chỉ nằm ở vấn đề đạo đức hay tình thương. Nó còn được củng cố bởi các quy định pháp luật quốc gia và quy tắc quốc tế. Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã đưa ra hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo động vật không phải chịu đựng đau đớn, sợ hãi và căng thẳng quá mức cần thiết. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ban hành các quy định về phúc lợi động vật và được áp dụng rất chặt chẽ. Từ năm 2012, EU đã ban hành lệnh cấm sử dụng các loại lồng nuôi gà đẻ truyền thống (lồng hẹp, gà không thể di chuyển hoặc vỗ cánh) để nuôi nhốt gà. Một số bang tại Mỹ như California, Massachusetts cũng đã thông qua luật yêu cầu diện tích nuôi tối thiểu cho gà đẻ và ngăn chặn hành vi nhốt gà trong môi trường chật hẹp.

Không chỉ dừng ở quy định của chính quyền, các tập đoàn kinh doanh quốc tế cũng dần đưa điều khoản phúc lợi động vật vào chính sách thu mua. Họ yêu cầu đối tác ở khắp nơi trên thế giới phải có kế hoạch chuyển đổi sang hình thức nuôi gà đẻ không nhốt lồng hoặc ít nhất là lồng nâng cao phúc lợi cho gà. Nhiều nhà bán lẻ lớn như Walmart, Target hay các thương hiệu thức ăn nhanh như McDonald’s, Starbucks cũng đã cam kết chỉ thu mua trứng gà nuôi không nhốt lồng trong tương lai. Unilever tuyên bố đã sử dụng 100% trứng gà nuôi không nhốt lồng tại châu Âu từ năm 2009, tại Bắc Mỹ từ năm 2020 và cam kết mở rộng ra toàn thế giới vào cuối năm 2025. Sức ép từ các quy định pháp luật và yêu cầu của các chuỗi cung ứng quốc tế đã buộc các doanh nghiệp phải bắt nhịp với xu thế này nếu không muốn sớm bị loại khỏi cuộc chơi cạnh tranh toàn cầu trong bối cảnh mới.

Châu Á trước kia thường bị đánh giá là chậm trễ hơn trong các vấn đề liên quan đến phúc lợi động vật so với châu Âu hay Bắc Mỹ. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đã bắt đầu có những chuyển biến. Lượng người tiêu dùng có thu nhập cao, trình độ nhận thức tốt và mong muốn sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, nhân đạo với vật nuôi ngày càng gia tăng.

Đối với Việt Nam, xu hướng… phúc lợi động vật đang manh nha rõ rệt và đã được luật hóa tại Luật Thú y 2015 và Luật Chăn nuôi 2018 cùng nhiều văn bản dưới luật. Nhiều doanh nghiệp thực phẩm, hệ thống bán lẻ nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam đã triển khai yêu cầu nghiêm ngặt về xuất xứ và cách thức nuôi gà đẻ trứng. Điển hình như Kinh Đô Mondelez và C.P Việt Nam.

Chính vì thế, không chỉ cơ quan quản lý, mà các hộ chăn nuôi, trang trại, doanh nghiệp sản xuất trứng cũng phải thích ứng với xu thế này. Trong bối cảnh đó, khái niệm tín chỉ gà đẻ không nhốt lồng đã xuất hiện. Đây là một sáng kiến có giá trị lớn để tạo ra một cơ chế tài chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi mô hình đảm bảo phúc lợi động vật và hướng tới nông nghiệp bền vững.

Tín chỉ gà đẻ không nhốt lồng – kiếm tiền từ sự nhân đạo

Để đáp ứng yêu cầu phúc lợi động vật trong chăn nuôi gà đẻ, nhiều quốc gia và tổ chức đã xây dựng các chứng chỉ, chứng nhận khác nhau. Các chứng nhận này thường xác nhận rằng trại gà đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định về vệ sinh, diện tích, ánh sáng, thức ăn, nước uống và hoạt động thể chất cho gà. Tuy nhiên, chỉ riêng các chứng nhận truyền thống như chứng nhận hữu cơ, chứng nhận GlobalG.A.P. chưa đủ để thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển đổi. Lý do nằm gói gọn ở hai chữ “thiếu tiền”. Bởi lẽ việc nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, quản lý dịch bệnh trong mô hình gà đẻ không nhốt lồng đòi hỏi chi phí rất cao. Điều này dẫn đến những rủi ro về mặt thương mại.

Do đó, để khuyến khích nông dân và chủ trang trại chấp nhận rủi ro này thì cần phải có một cơ chế hỗ trợ tài chính cũng như minh bạch về cách đo đếm thành quả phúc lợi động vật. Chính vì thế, mô hình tín chỉ gà đẻ không nhốt lồng đã ra đời. Về cơ bản, nó gần giống cách chúng ta đã nghe về tín chỉ carbon. Khi một trang trại đạt chuẩn phúc lợi gà đẻ không nhốt lồng và được chứng nhận, họ có thể bán hoặc trao đổi quyền chứng nhận này trên một thị trường tín chỉ nhất định.

Hãy thử hình dung thế này: Chủ trang trại bỏ tiền nâng cấp chuồng trại, mua thiết bị và đào tạo nhân viên để chuyển đổi từ mô hình nuôi gà đẻ nhốt lồng chật chội sang mô hình không nhốt lồng. Một bên thứ ba có thể là một tổ chức quốc tế hoặc trong nước được ủy quyền sẽ đến kiểm tra, đánh giá xem trại gà có tuân thủ các quy định phúc lợi không. Tiêu chuẩn được xem xét xoay quanh các vấn đề về mật độ gà, cách bố trí khu vực đẻ trứng, không gian vận động, ánh sáng, nguồn thức ăn, nước uống… Nếu mọi thứ đạt chuẩn, trang trại đó được chứng nhận đạt chuẩn mô hình nuôi gà đẻ không nhốt lồng – “cage-free” bởi bên thứ ba. Thông thường, bên thứ ba là đơn vị xây dựng tín chỉ, cũng là đối tác quan trọng cho quá trình chuyển đổi mô hình chăn nuôi. Họ có thể cung cấp nguồn vốn ban đầu, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ đầu ra cho các tín chỉ.

Sau đó, mỗi trang trại đạt chuẩn sẽ nhận được một số lượng tín chỉ nhất định. Số lượng tín chỉ có thể được quyết định dựa trên lượng gà đang nuôi, sản lượng trứng hoặc mức độ tuân thủ tiêu chuẩn phúc lợi động vật. Ví dụ, một tín chỉ tương đương với 1.000 quả trứng đạt tiêu chuẩn. Những tín chỉ này được ghi nhận dưới dạng chứng chỉ điện tử hoặc mã số có đăng ký trên hệ thống dữ liệu chung. Các doanh nghiệp hay tổ chức có nhu cầu chứng minh chuỗi cung ứng của họ “xanh” hoặc “thân thiện động vật” nhưng chưa kịp chuyển đổi mô hình hay chuỗi cung ứng sẽ tìm mua các tín chỉ này. Thông thường, bên mua sẽ là các doanh nghiệp thực phẩm hoặc doanh nghiệp bán lẻ muốn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội hoặc định vị thương hiệu thân thiện với môi trường.

Khi mua tín chỉ này, họ gián tiếp đóng góp tiền để hỗ trợ chi phí cho trang trại đã đầu tư vào mô hình phúc lợi động vật. Trang trại cũng có thể bán những tín chỉ dư thừa của mình trên thị trường, tạo ra một nguồn tài chính bổ sung bên cạnh doanh thu từ việc bán trứng, thịt. Các giao dịch tín chỉ sẽ được giám sát để tránh hành vi gian lận như bán nhiều hơn số tín chỉ thực có hoặc trang trại không còn đạt chuẩn nhưng vẫn bán tín chỉ. Nếu trang trại vi phạm, họ sẽ bị rút tín chỉ.

Vậy là nhờ cơ chế tín chỉ, trang trại sẽ có thêm động lực tài chính để chuyển đổi mô hình và giữ vững tiêu chuẩn phúc lợi cho động vật. Về phía người mua tín chỉ như doanh nghiệp thực phẩm, nhà bán lẻ…, họ có thể chứng minh được cam kết bảo vệ môi trường và bảo vệ động vật trong chuỗi cung ứng của mình. Tóm lại, khái niệm tín chỉ gà đẻ không nhốt lồng ra đời như một công cụ tài chính và chứng nhận có qua có lại. Chủ trang trại được “thưởng” thông qua việc bán tín chỉ còn các doanh nghiệp hay tổ chức mua tín chỉ sẽ có bằng chứng rõ ràng về việc tham gia bảo vệ động vật và phát triển bền vững.

Đối với Việt Nam, tín chỉ gà đẻ không nhốt lồng tuy còn khá mới nhưng lại có rất nhiều tiềm năng. Vừa qua, Hợp tác xã Nguyễn Gia và Công ty Global Food Partners (GFP) đã tiến hành ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi gà từ nhốt lồng sang không nhốt lồng. Mục tiêu là hướng đến việc bán được tín chỉ gà đẻ không nhốt lồng đầu tiên tại Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc mở ra một đường hướng mới cho việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi tại nước ta để hướng tới các mục tiêu về phát triển bền vững.